Expedia TAAP

Tin Chuyên Ngành » Công Nghệ » Chi tiết

Uber, Airbnb, Triip.me và các dịch vụ kinh doanh chia sẻ
Cập nhật: 18:08, Thứ hai, 01/09/2014 (GMT+7)
Kinh doanh chia sẻ (sharing economy hay collaborative consumption) - mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau - được đánh giá là đem lại giá trị kinh tế cao, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng cũng như những doanh nghiệp kinh doanh kiểu truyền thống.

Uber đặt nền móng cho dịch vụ kinh doanh chia sẻ tại Việt Nam

Uber, một ứng dụng của Mỹ cung cấp dịch vụ đi chung xe, đã đặt chân vào thị trường Việt Nam từ giữa năm 2014. Gần đây, Uber đã đạt được mức định giá rất ngoạn mục là 18,2 tỷ USD và có mặt trên 38 quốc gia (tính cả Việt Nam) đồng thời cũng gây ra những cuộc biểu tình của các tài xế taxi trên khắp châu Âu trong ngày 11/6 vừa qua do những người này cảm thấy thu nhập của họ bị đe dọa bởi mô hình hoạt động của công ty này.


Doanh thu của Uber đến từ hoa hồng thông qua việc kết nối chủ ôtô với người cần di chuyển. Cụ thể, người cần di chuyển chỉ cần tải ứng dụng Uber trên hệ điều hành Android hoặc IOS để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Không chỉ thông báo trước chi phí của chuyến đi, Uber còn tăng độ an toàn cho hành khách bằng cách cung cấp những thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón.

Đối với chủ xe, Uber cho phép họ tăng thu nhập thông qua việc chở thêm khách mà không phải gò bó thời gian làm việc như tài xế taxi. Không chỉ vậy, tỉ lệ ăn chia trên doanh thu giữa Uber và chủ xe cũng hấp dẫn hơn so với taxi vì hãng này không phải đầu tư xe hay hệ thống tổng đài điều phối. Mô hình doanh thu chung của Uber trên thế giới là chủ xe hưởng 80%, công ty lấy 20% trên cước phí của mỗi chuyến.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, thị trường kinh doanh vận tải, nhất là taxi đã chứng kiến sự có mặt của hai đại gia “máu mặt” là EasyTaxi (do Rocket Internet đầu tư) hay GrabTaxi (Malaysia). Nếu như Uber kết nối hành khách với chủ xe cá nhân, thì EasyTaxi và GrabTaxi lại tận dụng một công nghệ tương tự để kết nối hành khách với tài xế taxi.

Airbnb nối tiếp thành công của Uber

Trong năm 2013, trung bình mỗi đêm có tới 40.000 đặt phòng từ một dịch vụ cung ứng hơn 800.000 phòng tại 34.000 thành phố ở 192 quốc gia. Điều đáng nói là những phòng cho thuê này không phải do một chuỗi khách sạn hay một công ty lữ hành cung cấp, mà do các cá nhân. Những người cần thuê và chủ nhà được “mai mối” nhờ Airbnb - một công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ).


Airbnb cho phép tìm kiếm những ai đang “thừa” phòng hoặc chỗ ở để “ở nhờ”, sau đó trả cho “gia chủ” một khoản tiền nhất định. Các địa điểm sẽ được hiển thị trên trang chủ airbnb.com để người dùng dễ dàng lựa chọn. Startup này kiếm tiền bằng cách tính phí giao dịch cho mỗi lần đặt chỗ thành công. Airbnb vừa được đầu tư 500 triệu USD từ các nhà đầu tư mới, nâng giá trị công ty lên tới 10 tỷ USD, không thua kém các ông lớn như Hyatt hay Accor. Airbnb cũng đặc biệt được yêu thích bởi khách du lịch nước ngòai vì không những cung cấp một nơi nghỉ ngơi chất lượng cao với giá rẻ hơn khách sạn thông thường, mà còn là một cơ hội để khách du lịch trao đổi văn hóa và có những trải nghiệm như một người bản địa thật sự.

Sau Thái Lan, Malaysia và Singapore, thì Việt Nam có thể sẽ là điểm đến tiếp theo của dịch vụ cho thuê phòng online này. Hiện nay Airbnb đã cho phép hiển thị giá bằng VND và tuyển dụng nhân sự địa phương để kết nối với các chủ nhà cũng như chăm sóc khách hàng ở Việt Nam, chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên để thâm nhập thị trường tiềm năng này.

Triip.me - start ups ấn tượng của Việt Nam

Triip.me là dịch vụ du lịch phát triển dựa trên nguồn lực cộng đồng, biến những người địa phương thành một hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư. Startup này cho phép bất kì ai cũng có thể tạo một gói du lịch, đưa lên và bán cho khách du lịch trên trang web hoặc ứng dụng trên iPhone. Sản phẩm này cũng đã cho ra đời Wiki Triip, nơi tổng hợp thông tin trực tuyến về các điểm đến phong phú của Việt Nam vào một ứng dụng di động. Hiện tại Triip.me có hơn 1870 tour, trong đó hơn 500 tour được đăng trên Triip.me, đã có tour ở 21 nước, 55 thành phố ở Châu Á.


Doanh thu của Triip.me giai đoạn đầu chủ yếu phụ thuộc vào các booking tour khi ứng dụng này thu về 10% trên tổng giá trị mỗi tour. Mục tiêu trong tương lai của Triip.me là hoàn thiện hệ thống đảm bảo sự an toàn cho khách hàng và thành viên cũng như trở thành website cung cấp những trải nghiệm du lịch bản địa độc đáo trên toàn cầu.

Nhìn chung, đến thời điểm này, kinh doanh chia sẻ đang nhen nhóm tại Việt Nam và đây là cơ hội cho các startup có nhu cầu khởi nghiệp. Khảo sát mới đây của Công ty Nielsen cho thấy kinh doanh chia sẻ có nhiều cơ hội để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng về mô hình này. 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ. Chỉ có 18% từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình. Kết quả khảo sát cũng cho thấy tại Việt Nam, các sản phẩm hàng đầu được sẵn sàng cho thuê để tăng thu nhập là sản phẩm điện tử, xe gắn máy, xe ô tô, trang thiết bị điện. Trong đó, có 42% người được hỏi cho biết sẽ thuê các sản phẩm điện tử, ô tô cá nhân.

Người tiêu dùng sẽ thường xuyên tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập bằng nhiều cách và việc chia sẻ hoặc cho thuê các vật dụng mà họ sở hữu là một lựa chọn của nhiều cá nhân. Nền móng cho sự xuất hiện của mô hình kinh doanh chia sẻ là sự phát triển nhanh chóng của internet và yếu tố chính của mô hình này là sự kết nối giữa những người tiêu dùng với nhau. Một khi kinh doanh chia sẻ thực sự phát triển tại Việt Nam cùng với sự hoạt động mạnh mẽ của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ giúp các startup biến ý tưởng thành hiện thực. Đây cũng sẽ là cơ hội và là mảnh đất màu mỡ của các startup có nhu cầu khởi nghiệp tại Việt Nam.

A.K.
Lượt xem: 2446
Tags: UberAirbnbTriipmeSharing economyCollaborative consumption
Các bài viết liên quan
▪  Expedia Inc.
▪  American Airlines tiến gần hơn tới việc sáp nhập với US Airways
▪  Cơ hội làm việc tại Le Meridien Saigon
Các bài viết mới
▪  Wi-Fi công cộng giúp Ý thu hẹp khoảng cách công nghệ với khu vực châu Âu
Các bài viết đã đăng
▪  Singapore lắp đặt wifi miễn phí tại ga tàu điện ngầm
▪  Lowcostbeds.com tham gia Travelport Rooms and More
▪  ‘Amadeus Offers’ ra mắt ở Việt Nam
▪  Chương trình bốc thăm trúng thưởng của Galileo Việt Nam dành cho hội viên GCorner
▪  Delta cung cấp các dịch vụ giải trí theo yêu cầu trên chuyến bay
▪  Amadeus mở trung tâm dữ liệu mới
▪  ANA trang bị iPad cho phi hành đoàn
▪  Qatar Airways thiết lập tiêu chuẩn mới với dịch vụ bằng Ipad
▪  Expedia, Booking.com và các tập đoàn khách sạn lớn bị buộc tội làm giá
▪  Expedia ký hợp đồng quảng cáo với Hiệp hội Trọng tài Chuyên nghiệp Anh (PGMO)
Tỉ giá USD
Cập nhật ngày 20/04/2022
BSP Ngân Hàng (Vietcombank)
23.070 VND
23.100 VND